TIN MÔI TRƯỜNG

Xây dựng mạng xã hội hóa về môi trường

Lập mạng xã hội môi trường

Người dân giám sát và phản ảnh ô nhiễm

SGTT.VN - Không phải lo thiếu thông tin tin cậy khi ra quyết định, không phải lục tìm dữ liệu khi đối diện với những vụ việc phức tạp. Trong năm 2011, phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu thanh tra môi trường sẽ được đưa vào ứng dụng. Với những dữ liệu được “số hoá” – hệ thống này hứa hẹn sẽ là một “mạng xã hội môi trường”, giúp thông tin được chia sẻ, phản hồi, minh bạch giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Sắp tới, thông tin về kết quả thanh tra môi trường sẽ được chia sẻ, phản hồi, minh bạch giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TL SGTT

PGS.TSKH Bùi Tá Long (trưởng phòng tin học môi trường – viện Môi trường và tài nguyên, đại học Quốc gia TP.HCM), một trong những người tham gia xây dựng hệ thống đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị nhân hội thảo về dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ hồ sơ, chia sẻ và trao đổi thông tin, dữ liệu về kết quả thanh tra môi trường trên phạm vi toàn quốc” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Việc “số hoá” dữ liệu thanh tra môi trường xuất phát từ thực tế khi gần đây liên tiếp các vụ việc “nóng” trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) xảy ra hay đã được chuẩn bị từ lâu, thưa ông?

Ý tưởng này đã được chuẩn bị từ năm 2005, tuy nhiên đến năm 2009, dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ hồ sơ, chia sẻ và trao đổi thông tin, dữ liệu về kết quả kiểm tra, thanh tra môi trường trên phạm vi toàn quốc” mới chính thức được duyệt, với sự tham gia của Thanh tra tổng cục môi trường – bộ Tài nguyên và môi trường. Chúng tôi viết phần mềm và trung tâm thông tin và tư liệu môi trường xây dựng khung dữ liệu.

Thực tế, hàng năm có hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Tuy nhiên, việc lưu trữ hồ sơ, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là các vụ việc phức tạp. Ví dụ ngay như vụ Vedan vừa qua, chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tính toán thiệt hại cho họ. Nhưng việc tìm lại những dữ liệu đã có từ những năm trước rất khó khăn, thậm chí thất lạc, phải lục lại nhiều tài liệu từ các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, kể cả thanh tra môi trường… Trong khi, nếu có hệ thống này, mình có ngay dữ liệu tin cậy để ra những quyết định chính xác.

Cụ thể khung cơ sở dữ liệu trong hệ thống sẽ bao gồm những gì?

Theo tôi được biết, khung cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia bao gồm bảy chuyên đề, 85 nhóm lớp thông tin, 239 lớp thông tin chi tiết. Các nhóm thông tin chính bao gồm: nền địa lý, hiện trạng chất lượng môi trường, hiện trạng tài nguyên, nhạy cảm sự cố môi trường và thiên tai, điểm nóng môi trường, thông tin về văn bản, pháp luật, cơ chế chính sách, thông tin quan trắc môi trường, bảo tồn và đa dạng sinh học, thanh tra và kiểm tra môi trường, quản lý chất thải, ô nhiễm môi trường, hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ.

Ngoài ra, hệ thống gồm sáu module (tiêu chuẩn): một là các cơ quan nhà nước có liên quan đến thanh tra môi trường, hai là những doanh nghiệp (DN), sau đến các địa phương, rồi hệ thống bản đồ, các báo cáo và thông tin về thanh tra.

Hệ thống này được đánh giá sẽ là một “mạng xã hội về môi trường”, ông có thể chia sẻ những lợi ích từ hệ thống?

Lợi ích lớn nhất của hệ thống này là thông tin được chia sẻ tới nhiều đối tượng. Cũng giống như Facebook, người làm công tác quản lý đôi khi rất cần thông tin của những người khác về lĩnh vực mình làm. Trên Facebook khi ta đưa một tấm ảnh lên thì sẽ nhận được nhiều comment (bình luận) của nhiều người. Còn trong ngành thanh tra, khi một kết quả được công bố, sẽ giúp các cơ quan truyền thông có thông tin, người dân biết được tình hình môi trường của DN, địa phương nơi mình sống. Đối với DN, trước đây nhiều kết quả thanh tra chưa làm cho DN phục nhưng giờ DN có thể ra vào kiểm tra kết quả thanh tra, phản hồi, nhận thức để thay đổi hành vi.

Trong giai đoạn 2009 – 2011, thực hiện việc xây dựng hệ thống sẽ được thử nghiệm trên địa bàn: bốn tỉnh/thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và năm tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ – Đáy: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hoà Bình.

Dữ liệu sẽ được chuẩn hoá và cập nhật tại website: http://www.vea.gov.vn (Ths Lương Duy Hanh – phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra tổng cục môi trường – bộ Tài nguyên và môi trường).

Ngoài ra, một thông tin nếu mình không chia sẻ thì sau vài năm sẽ thành thông tin cũ, giá trị không còn nhiều. Nhưng ở hệ thống này, thông tin được chia sẻ sẽ thành sức mạnh, nếu trước đây làm một báo cáo tổng kết mất rất nhiều thời gian thì giờ chỉ cần nhấn nút, thông tin sẽ trợ giúp rất nhiều cho những nghiên cứu, các nhà khoa học, sinh viên. Đặc biệt, giống như đi mua hàng ở siêu thị, thông qua hệ thống chúng ta sẽ nắm được tỷ lệ người tham gia, lúc nào người dân đi nhiều hay đi ít, hay mua hàng gì, ở độ tuổi nào? Những dữ liệu này sẽ biến thành những thông tin có giá trị, để lên kế hoạch hoạch định công tác thanh tra cho những năm tiếp theo.

Một mạng xã hội bao giờ cũng nhấn mạnh đến tính tương tác, vậy tính tương tác của mạng “xã hội môi trường” nằm ở đâu, thưa ông?

Chúng tôi sẽ xây dựng những mô hình ứng dụng để đánh giá, ví dụ như đánh giá mức độ tiến bộ của DN theo từng năm hoặc xếp hạng các DN về BVMT. Các DN đang đứng ở vị trí đầu tiên cũng rất muốn quảng bá thương hiệu của họ, còn DN đứng cuối sẽ phải “nóng mặt” phải thay đổi, việc này sẽ giúp cho sự tiến bộ về môi trường.

Ngoài ra, sự tương tác sẽ là khi DN bị thanh tra, họ hoàn toàn có thể gửi lại phản hồi tới các cơ quan nhà nước, để xem họ có tâm phục khẩu phục hay không bởi đôi khi một quyết định chưa hẳn chính xác. Người dân còn có đường dây nóng để họ có thể gửi đơn phản ánh về những ô nhiễm môi trường.

Có quy định gì đối với những người tham gia hay không và bao giờ thì hệ thống sẽ chính thức được triển khai, thưa ông?

Với hệ thống này mọi người quan tâm có thể tham gia, một số người sẽ có quyền admin, một số người có quyền xem, một số sẽ có quyền nhập, điều này được quy định cụ thể. Theo kế hoạch, đầu năm 2011 hệ thống sẽ được triển khai ở Thanh tra tổng cục môi trường, họ sẽ ứng dụng và tham gia đóng góp ý kiến, gửi lại ý kiến cho nhóm tác giả chỉnh sửa cho đến khi hoàn thiện. Nếu các bên cùng nỗ lực thì trong năm 2011, chúng ta sẽ có một mạng mang tính chất xã hội về thanh tra môi trường, sau có thể mở rộng nó sang các lĩnh vực như mảng về quan trắc, quản lý rác thải, kiểm soát ô nhiễm…

Thanh Tuyền (thực hiện)

06/01/2011 - Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Tin khác:
PGS-TSKH. BÙI TÁ LONG
Bookmark Print Invite a friend
142 Tô Hiến Thành, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (84)8 3865 1132 - 8 3863 7044, Di động: 0918017376, Fax: (84)8 3865 5670
Email: longbuita@yahoo.com.com
Copyright © 2010 ENVIM.All Rights Reserved . Design by VSIS